Parenting
Nghệ thuật làm cha mẹ
20 Sai lầm cha mẹ thường mắc khi xây dựng kỷ luật cho con
“No-Drama Discipline” là cuốn sách mà mình nghĩ bố mẹ nào có thời gian thì nên đọc tham khảo. Đây là cuốn sách viết về cách xây dựng kỷ luật cho con sao cho hợp lý và hiệu quả dựa trên kiến thức về phát triển tâm sinh lý của trẻ chứ không đơn thuần chỉ là rèn con thành một cái máy chỉ biết răm rắp vâng lời. Cuốn sách có đề cập đến 20 sai lầm mà ngay cả những cha mẹ tuyệt vời nhất cũng có thể mắc phải khi tạo dựng kỷ luật cho trẻ. Mình xin phép dịch tóm tắt và diễn giải một số điểm mà mình tâm đắc nhất dưới đây.
Kỷ luật mà bạn xây dựng cho con có thể đang sai hướng khi mà:
1. Kỷ luật đó chỉ chú trọng vào trách phạt thay vì dạy dỗ.
Mục đích của kỷ luật không phải là để đảm bảo mỗi khi trẻ làm sai gì đó thì sẽ bị phạt ngay lập tức . Mục đích thực sự của kỷ luật là để dạy trẻ có thể sống và hành xử tốt trên thế giới này. Sai thì ăn đòn có lẽ là một cách dạy lỗi thời. Đừng quên mục đích chính của bạn là gì, khi đó bạn sẽ có thể tìm được cách dạy con tốt hơn là đòn roi thưởng phạt.
2. Chúng ta lầm tưởng rằng kỷ luật thì không thể nhẹ nhàng, mềm mỏng.
Trên thực tế thì việc này hoàn toàn có thể. Chúng ta luôn có thể bình tĩnh, nhẹ nhàng, ấm áp với trẻ trong khi uốn nắn hành xử của bé. Việc bạn sử dụng tông giọng ra sao, nét mặt thế nào cũng ảnh hưởng đến hiệu quả truyền đạt thông điệp đến trẻ. Kỷ luật và yêu thương, tôn trọng, thấu hiểu có thể cùng song hành trong giao tiếp với trẻ khi bạn giáo dục, trò chuyện cùng con.
3. Bạn nhầm lẫn giữa “sự xuyên suốt” và “sự cứng nhắc” trong kỷ luật.
Sự xuyên suốt không có nghĩa là bạn luôn trung thành mù quáng với một mớ luật lệ bất đi bất dịch. Ta cần cho trẻ hiểu chúng ta mong đợi gì từ trẻ nhưng đôi khi cũng nên có một đôi ngoại lệ. Ví dụ như bạn yêu cầu trẻ làm bài tập xong trước giờ ăn tối hàng ngày vì bạn muốn trẻ hiểu việc hoàn thành bài tập mỗi ngày là quan trọng. Nhưng nếu có ông bà đến ăn tối cùng thì con có thể chơi cùng ông bà và làm bài tập sau bữa tối. Miễn là con hiểu bài tập phải được làm xong mỗi ngày.
4. Chúng ta nói quá nhiều. Nói dài nói dai thành nói dại.
Đây có lẽ là sai lầm phổ biến nhất và khiến việc dạy dỗ trở nên phản tác dụng. Khi bạn nói quá nhiều con sẽ bị rối, bị khó chịu, chúng sẽ quay ra để ý vào sự cằn nhằn của bạn hơn là lỗi lầm của chúng. Hãy tìm những cách giao tiếp phi ngôn từ khác. Hãy thử đặt tay lên vai con, xoa lưng con, gật đầu hoặc giao tiếp bằng ánh mắt. Khi trẻ bình tĩnh và bạn cũng bình tĩnh lại thì hãy bắt đầu giảng giải cho con một cách logic về vấn đề cần giải quyết.
5. Chúng ta tập trung vào biểu hiện hành xử của trẻ hơn là lý do vì sao trẻ hành xử như vậy.
Khi trẻ quấy phá, luôn có một lý do nào đó tiềm ẩn sau hành động đó. Có thể là con đói, mệt, tức giận hay sợ hãi. Quấy phá là một triệu chứng, cái bạn cần làm là tư duy để bắt bệnh để tìm ra nguyên nhân vì sao trẻ hành xử không đúng. Khi bạn hiểu ra được lý do con hành xử như vậy thì bạn mới có thể tìm giải pháp hợp lý để ngăn chặn nó tái diễn.
6. Chúng ta quên để ý vào việc làm sao để truyền đạt thông điệp một cách hiệu quả.
Thông điệp ta truyền đạt cho trẻ rất quan trọng, nhưng truyền đạt nó ra sao cũng rất quan trọng. Hãy nói với con một cách tử tế, tôn trọng và dễ hiểu. Nếu bạn chỉ mắng nhiếc trẻ cho thỏa mãn cơn giận mà không chú ý tới ngôn từ bạn dùng ra sao, e rằng việc giáo dục của bạn đang đi ngược lại với mục đích ban đầu và đẩy bạn ra xa hơn trong mối quan hệ với con.
7. Cách chúng ta truyền đạt thông điệp khiến cho trẻ hiểu rằng chúng không được phép khó chịu.
Khi trẻ hành xử không phù hợp hoặc phản ứng thái quá mỗi khi sự việc không theo ý muốn của chúng, cha mẹ thường có xu hướng ép trẻ chấm dứt phản ứng đó. Mặc dù không cố tình nhưng chúng ta thường hay khiến trẻ nghĩ rằng ba mẹ chỉ muốn ở cạnh chúng khi chúng ngoan và vui vẻ còn những khi chúng trải nghiệm những cảm xúc tiêu cực thì cha mẹ không muốn ở cạnh. Chúng ta có thể nói “không” với hành xử xấu của con nhưng luôn nên nói “có” (chấp nhận ) với những cảm xúc của chúng. Hãy thông cảm và thấu hiểu. Hãy cho con biết bạn luôn ở đó yêu thương và sẵn lòng cùng chúng giải quyết vấn đề. Và rằng dù hành động của trẻ khiến bạn không vui thì bạn vẫn dành cho con nhiều tình yêu, chỉ có vậy mới có thể giúp con tự tin trưởng thành.
8. Chúng ta làm quá lên và khiến trẻ chú tâm vào sự thái quá của cha mẹ hơn là suy nghĩ về sai lầm của chúng.
Khi bạn cư xử thô bạo, đánh mắng, la rầy trẻ thì trẻ sẽ bực bội đặt câu hỏi “vì sao bố mẹ quá đáng, bất công, tồi tệ thế?” thay vì tự kiểm điểm bản thân chúng. Vậy nên cha mẹ nên tránh “chuyện bé xé ra to”. Hãy chỉ ra hành động sai của con, cho bản thân bạn vài phút để bình tĩnh lại trước khi định mắng mỏ quá nhiều và từ đó bạn sẽ bình tâm và suy nghĩ thấu đáo để dạy con. Khi đó, bạn sẽ có thể hoàn toàn tập trung vào con thay bị nhấn chìm bởi chính sự phản ứng thái quá của mình.
9. Chính cha mẹ không chịu làm gương và sửa chữa.
Chúng ta là con người và không thể lúc nào cũng làm đúng. Cha mẹ và con cái có xung đột, cha mẹ phản ứng thái quá, thiếu tôn trọng con cũng là điều có thể xảy ra. Quan trọng là chúng ta nên dũng cảm nhận sai với con, mong con tha thứ hơn là khư khư giữ sĩ diện. Nhờ đó cha mẹ và con cái mới có thể xây dựng mối quan hệ tin tưởng và tôn trọng để con dần trưởng thành.
10. Cha mẹ đưa ra những quyết định trong phút nóng giận bốc đồng rồi mới nhận ra mình làm hơi lố.
“ Con sẽ không được đi bơi suốt mùa hè này”, “ Mẹ sẽ cho con nhịn ăn cả tuần”, “ Từ giờ không được xem TV nữa”. Cha mẹ thường hay dọa nạt con thế khi nóng giận nhưng thực tế là sau đó chưa chắc làm được thế. Bạn vẫn phải cho con đi bơi, không bỏ đói chúng và tất nhiên sẽ có lúc con được xem TV lại. Vậy nên khi lỡ miệng nói vậy hãy tìm cách chữa cháy. Hãy bảo với con “Mẹ cho con thêm cơ hội sửa sai, con có thể làm lại bây giờ”. Hay đơn giản hơn là thừa nhận với con là mình đã làm quá và từ sau hãy cân nhắc trước khi đưa ra một quyết định nào đó khi đang trách mắng con.
11. Quên rằng đôi khi con cần sự giúp đỡ của bố mẹ để bình tĩnh lại hay để đưa ra những quyết định đúng đắn.
Cha mẹ thường có xu hướng yêu cầu con “dừng lại ngay” mỗi khi chúng phá quấy hay mất kiểm soát. Nhưng trong nhiều trường hợp, đặc biệt là khi trẻ còn nhỏ, bé thậm chí còn chưa đủ khả năng để kiềm chế bản thân lại ngay lập tức. Khi đó con cần có sự can thiệp và trợ giúp của cha mẹ để bình tĩnh lại và đưa ra quyết định đúng cho hành động của mình. Hãy giao tiếp với con bằng cả ngôn ngữ và hành động để giúp con hiểu được rằng cảm xúc của chúng không bị làm ngơ. Chỉ khi bạn đã tạo ra được sự kết nối với con rồi thì bé mới có thể chuyển hướng cảm xúc để bình tĩnh nghe bạn dạy dỗ, giảng giải. Nhớ rằng khi con đang mất kiểm soát thì đó không phải là lúc để áp dụng những luật lệ cứng nhắc mà bạn đã đặt ra. Ngay cả người lớn cũng vậy, nếu bạn phân bua tranh luận với một người đang mất bình tĩnh thì thường kết quả là bạn chẳng thu được gì ngoài sự mất bình tĩnh và căng thẳng được đẩy lên cao trào hơn đúng không?
12. Chúng ta quá để tâm đến việc người khác nghĩ gì về mình.
Hầu hết chúng ta đều để tâm quá mức đến việc người khác nghĩ gì về mình, đặc biệt là khi chúng ta giáo dục con cái. Áp lực này dẫn đến việc chúng ta trở nên nghiêm khắc quá mức cần thiết khi một ai là “người ngoài” có mặt trong lúc chúng ta dạy con. Vì bố mẹ thường sợ bị phán xét là quá dung túng, dễ dãi với con nên khi có “khán giả” là họ hàng hay ai đó ở cạnh, chúng ta có xu hướng phản ứng gay gắt hơn với những sai phạm của bé so với khi chỉ có mình bạn và bé. Điều này thật không công bằng. Giải pháp là hãy kéo con lại thật gần với mình hoặc mang con ra một chỗ khác và giảng giải cho con. Điều này vừa giúp người khác không nghe được bạn nói gì, vừa giúp bạn tập trung hơn vào việc dạy dỗ con.
13. Chúng ta quá độc đoán, chuyên quyền.
Đấy là khi bạn chỉ cho trẻ một lựa chọn duy nhất. Nhiều bố mẹ thích “nói 1 là 1, 2 là 2”. Nhưng các nhà tâm lý đã chỉ ra rằng khi trẻ bị dồn vào đường cùng chúng sẽ có xu hướng hoặc cãi chống lại bố mẹ hoặc không phản ứng được gì. Điều đó có nghĩa là bạn đang mắc kẹt trong một cuộc tranh giành quyền lực với con. Cách tốt nhất là luôn cho bé một con đường lui. Có những khi bạn muốn con dọn đồ chơi ngay lập tức nhưng bé nhất định không làm. Hãy thử hỏi “Con có muốn uống gì đấy, xong rồi mình dọn đồ chơi không?”. Khi được lựa chọn, nhiều khả năng trẻ sẽ nói có. Trẻ em thông minh và biết hợp tác trong thương lượng hơn chúng ta tưởng. Tất nhiên có những trường hợp không thể thỏa thuận hay mặc cả. Tuy nhiên việc thương lượng với con không có nghĩa là cha mẹ yếu thế, mà đó là dấu hiệu cho việc chúng ta có tôn trọng trẻ và biết lắng nghe những mong muốn của chúng. Điều này nhiều khi sẽ giúp đưa đến một kết quả là cả hai bên đều hài lòng, chứ không chỉ là bố mẹ áp đặt rồi con cái tức tối miễn cưỡng làm theo.
14. Chúng ta giận cá chém thớt. Hay nói cách khác là dạy con dựa trên thói quen, cảm xúc tức thì của bản thân mình, thay vì dựa trên vấn đề thực tế mà trẻ đang gặp phải khi đó.
Có rất nhiều lúc bạn mắng oan đứa con nhỏ một cách gay gắt chỉ vì bạn đang mệt, hay vì thằng anh nó quậy phá suốt từ sáng đến giờ khiến bạn bực mình, hay đơn giản là vì bố mẹ bạn cũng đã từng làm thế với bạn. Điều này có thể thông cảm nhưng nó thật không công bằng chút nào. Khi ấy chúng ta cần tự xem xét lại bản thân, những thói quen của mình và nên tập trung vào đúng vấn đề, đúng người, đúng lúc. Mặc dù điều này rất khó nhưng bạn có thể luyện tập dần để sửa chữa.
15. Chúng ta khiến con cái xấu hổ bằng việc mắng mỏ chúng ngay trước mặt người khác.
Nhiều cha mẹ thích thể hiện rằng mình nghiêm khắc bằng việc nhắc nhở, phạt con công khai trước mặt mọi người. Hãy nghĩ lại đi. Bản thân bạn có thích bị chê bai công khai không? Dù là lời chê đúng thì bạn cũng bị mất mặt ít nhiều và ít chấp nhận ý kiến đó hơn. Chưa kể bạn sẽ ghét cái người đã nỡ lòng làm bẽ mặt bạn nữa. Trẻ con cũng vậy. Chúng cũng có tự trọng và đôi khi lòng tự trọng của một đứa bé lớn hơn ta tưởng rất rất nhiều. Thế nên hãy dạy con một cách kín đáo, mang con ra khỏi phòng hoặc kéo con lại gần thầm thì nếu ở trong phòng. Đẹp đẽ khoe ra, xấu ra đậy lại. Các cụ đã dạy thế rồi cơ mà.
16. Chúng ta vội kết luận mà không để con có cơ hội giải thích.
Có những khi mọi thứ trông thật tệ và nó đúng là như thế. Nhưng đôi khi sự việc cũng không tệ như ta tưởng. Vậy nên trước khi trách phạt, ít nhất hãy cho trẻ một cơ hội giải thích. Tất nhiên không phải khi nào cha mẹ cũng ngây thơ tin vào lời giải thích của trẻ. Nhưng nếu lời giải thích đó thực sự hợp lý thì ta sẽ không trách oan trẻ.
17. Chúng ta gạt bỏ những cảm xúc mà trẻ đang trải qua.
Khi trẻ phản ứng một cách có vẻ như thái quá từ góc nhìn của cha mẹ, chúng ta thường hay nói những câu kiểu như “Thôi đi, chuyện đó có gì to tát đâu”, “ Việc cái gì mà con phải khóc”. Hãy thử tưởng tượng ai đó nói câu ấy khi bạn đang khó chịu, bối rối, mất kiểm soát. Nó chẳng giúp ích gì cả mà còn làm giảm đi những cảm xúc của trẻ về các trải nghiệm. Vậy nên hãy thông cảm, lắng nghe trẻ. Bởi lẽ những phản ứng ấy với bạn có vẻ nực cười nhưng với trẻ cảm xúc đó là thật. Và nó quan trọng đối với trẻ. Vậy nên đừng gạt bỏ cảm xúc của con. Hãy nói “Mẹ biết con đang khó chịu”, đặt tay vào vào con, hay ôm con, thay vì bắt chúng “Đừng khóc nữa “.
18. Chúng ta kỳ vọng quá nhiều
Hầu hết cha mẹ đều nói rằng họ BIẾT con họ không hoàn hảo. Nhưng cũng hầu hết số đó đều mong chờ con mình sẽ ngoan mọi lúc mọi nơi. Hơn nữa cha mẹ thường kỳ vọng con hành xử với những khả năng quá lứa tuổi của con. Một sai lầm nữa là, cha mẹ cho rằng vì con mình ngoan lúc này thì những lúc còn lại con cũng có thể ngoan như vậy, nôm na là vơ đũa cả nắm. Nên nhớ rằng khi trẻ còn nhỏ thì khả năng “ngoan” và đưa ra quyết định đúng đắn của trẻ chỉ mang tính tương đối và đôi khi thất thường. Không phải chúng “hư” mà là vì tâm sinh lý của trẻ chưa phát triển đến độ có thể hành xử đúng mọi lúc mọi nơi như bạn mong đợi.
19. Chúng ta đặt niềm tin vào những “chuyên gia” hơn là vào bản năng cha mẹ của chính mình.
Chuyên gia ở đây có thể là những tác giả sách, các hot mothers trên mạng hay một ai đó quen biết có kinh nghiệm nuôi dạy trẻ mà bạn tin tưởng. Việc tham khảo và lắng nghe ý kiến của họ là rất cần thiết. Nhưng đừng quên con bạn là con bạn, và mỗi đứa trẻ khác nhau. Thậm chí một đứa trẻ cũng khác ở mỗi thời điểm. Khi ấy bạn nên sử dụng bản năng làm cha mẹ và sự kết nối mà chỉ bạn với con mới có để dựa vào đó mà tìm ra cách dạy dỗ phù hợp nhất cho con.
20. Chúng ta quá nghiêm khắc với bản thân.
Thường thì những bố mẹ yêu thương quan tâm đến con cái nhất cũng là những bố mẹ nghiêm khắc với bản thân họ nhất. Và họ mong chính mình có thể rèn giũa cho luôn luôn con hành xử đúng đắn. Điều này là hoàn toàn không thể. Vậy nên đôi lúc hãy thư giãn một chút. Hãy yêu con bạn, hãy lập ra những ranh giới rõ ràng và xây dựng kỷ luật với sự yêu thương, và hãy làm lành, nhận lỗi với con và sửa sai khi chính bạn mắc sai phạm. Kỷ luật theo hướng đó sẽ tốt cho cả bạn và con và những người khác nữa.
Tóm tắt bởi Kim Thị Lan Anh
Tham khảo:
Daniel J. Siegel, M.D. & Tina Payne Bryson, Ph.D.
No-Drama Discipline: The Whole-Brain Way to Calm the Chaos and Nurture Your Child's Developing Mind. Random House Publishing Group, 2014
https://www.tinabryson.com/nodramadiscipline