Culture

Văn hóa Việt

Cây nêu ngày Tết

“Tết đến tôi được đem trồng

Dựng thẳng trước ngõ, trước sân, trước nhà

Thế rồi mùng bảy xuân ra

Mọi nhà hết Tết thế là hạ tôi”

Đố các bạn biết tôi là cây gì?

Dựng nêu trong một lễ hội truyền thống ở Huế.

Ảnh của Huế Viewers.

Cây nêu ngày nay.

Ảnh của Đạo diễn Trần Chí Kông.

Câu đố vui về cây nêu có lẽ không làm khó nhiều người, nhưng chắc không phải ai cũng thực sự hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa của tục trồng cây nêu ngày Tết, bởi không giống những phong tục phổ biến khác trong dịp Tết, tục trồng cây nêu thường chỉ có ở các vùng nông thôn của một số địa phương hay trong các lễ hội truyền thống.

Trong sự tích cây nêu ngày Tết có viết: Hàng năm, cứ dịp Tết Nguyên Đán ma quỷ lại vào thăm đất liền, mọi người liền dựng cây nêu có treo những vật phát ra tiếng động trước nhà. Khi có gió, tiếng động phát ra nhắc nhở bọn quỷ quay trở lại biển Đông, không xâm chiếm đất liền của con người nữa. Tục trồng cây nêu ngày Tết để xua đuổi tà ma, cầu mong may mắn cho gia chủ từ đó mà có. Dị bản cũng như tập tục từng vùng miền có thể có những chi tiết khác nhau, nhưng tựu chung lại thì cây nêu chính là biểu tượng của bình an, may mắn, của niềm tin cái thiện chiến thắng cái ác.

Cây nêu thường là một cây tre dài nhất mà gia chủ tìm được bởi người xưa tin rằng số đốt tre tượng trưng cho những nấc thang gắn kết con người với các lực lượng siêu nhiên như thần, phật hay trời đất. Cây tre chặt về sẽ được giữ nguyên phần ngọn, còn phần cành lá sẽ được chặt hết, hoặc cắt tỉa gọn đi. Các món đồ trang trí khác nhau sau đó sẽ được treo lên cây vừa để xua đuổi ma quỷ vừa để cầu may mắn, bình an. Mỗi vùng miền lại có những vật dụng khác nhau được treo lên cây, nhưng phổ biến nhất có: mảnh vải đỏ, khánh đất, lá bùa, phướn, đèn lồng, tràng pháo hay bánh chưng giả, v.v. Người Kinh thường dựng cây nêu ngày 23 tháng Chạp và hạ nêu vào mùng 7 Tết. Một số dân tộc thiểu số khác như người Mường trồng cây nêu vào ngày 28 tháng Chạp.

Chưa kể đến những giá trị tâm linh khác, chỉ riêng về văn hóa thì tục trồng cây nêu ngày Tết là cơ hội quý giá giúp gắn kết các thành viên trong gia đình bởi để có một cây nêu xua đuổi tà ma và mang lại bình an đòi hỏi kĩ năng và sự góp sức của tất cả các thành viên trong gia đình. Những người có sức vóc như cha và anh thường chịu trách nhiệm đốn tre, lên nêu và hạ nêu. Ông bà, mẹ và các em nhỏ thường đảm nhiệm phần trang trí. Với các bạn nhỏ, còn gì tuyệt vời hơn khi vừa được phụ giúp treo đồ trang trí lên cây nêu, vừa được hỏi bà, hỏi mẹ về sự tích cây nêu, về ý nghĩa bùa cầu an, mảnh khánh hay cành đa dọa quỷ trong giỏ tre. Sự tò mò và tình yêu của các em nhỏ với những phong tục truyền thống được nuôi dưỡng qua chính những giây phút được quây quần bên ông bà, cha mẹ, vừa làm, vừa hỏi, vừa lắng nghe. Vừa học vừa làm, vừa học vừa chơi cùng với người thân chẳng phải là cách học hiệu quả nhất sao?

Những năm gần đây, với ý thức phục dựng và duy trì các phong tục văn hóa truyền thống, tục trồng cây nêu mỗi khi Tết đến xuân về đang được phục hồi ở nhiều địa phương trong nước và cả ở hải ngoại nơi có cộng đồng người Việt sinh sống. Hình ảnh cây nêu cao vút tại hội chợ Tết Nguyên Đán Tân Sửu năm 2021 của cộng đồng người Việt tại Los Angeles, Mỹ khiến bất kỳ người con Việt nào cũng thấy ấm lòng và vơi đi nỗi nhớ quê da diết. Ngọn nêu cao vút ấy chắc hẳn cũng khiến chúng ta nuôi dưỡng niềm tin mãnh liệt rằng những phong tục cổ truyền, những tinh hoa văn hóa nói chung và tục trồng cây nêu ngày Tết nói riêng mà ông cha ta để lại sẽ được bảo tồn và tiếp nối mãi về sau.


Bài viết được thực hiện bởi nhóm Stories of Vietnam